Singapore có chính sách nhà ở khá ưu việt cho người dân.
Trong một báo cáo gần đây do Bộ Xây dựng phát hành, giao dịch bất động sản để bán bình quân toàn thị trường đều trong xu hướng tăng khá cao. Hai thành phố có lượng di dân biến động cao nhất là Hà Nội và TP HCM cũng không tránh khỏi xu hướng giá nhà tăng.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư đã tăng 1,53%; nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại thị trường TP HCM, căn hộ chung cư tăng 2,48%; nhà ở riêng lẻ tăng 2%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%. Còn theo số liệu của Batdongsan.com.vn, mặt bằng giá chung cư bình dân trong năm 2021 đã tăng trưởng 8%, giá chung cư cao cấp tăng 5%.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng từng thừa nhận nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Trong khi báo cáo năm 2021 của bộ cho thấy, giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng liên tiếp hơn 10 quý.
Giá nhà tăng, thiếu nhà giá rẻ
Ngay trong kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã cho rằng giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. "Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở", ông Nghị nhấn mạnh.
Theo ông Nghị, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch được đầu tư phổ biến và có biểu hiện dư thừa. Còn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình thì thiếu trầm trọng.
Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Nhà ở công nhân có 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị tương chỉ 92.500 căn.
Câu chuyện mua nhà đối với người có thu nhập trung bình đang sống tại các đô thị của Việt Nam gần như chưa bao giờ là dễ dàng. Một ai có thể mua nhà ở tuổi xấp xỉ 30 thì được tung hô như một anh hùng thì người ấy đã thực sự nỗ lực, giỏi giang trong làm lụng và tiết kiệm chi tiêu. Dĩ nhiên nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình thì giấc mơ có nhà tại TP HCM hoặc Hà Nội lại càng thêm xa vời.
Tôi từng nghe tâm sự của nhiều người trẻ mang đại ý rằng: "Nếu cha mẹ không bán mảnh đất 1-2 tỷ ở quê thì đố mua chúng mình mua được nhà ở Sài Gòn hoặc Hà Nội". Quả thực là như vậy.
Nhẩm tính một người ở vị trí quản lý lương 30 triệu đồng/tháng, sống tại TP HCM, tính theo chi phí sinh hoạt cao thì mỗi năm dư được 100 triệu đồng. Người này phải mất 10 năm mới tích góp vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
Giá nhà trong 10 năm qua tại thành phố phương Nam đã tăng chóng mặt. Kết hợp các yếu tố trượt giá, lạm phát, 1 tỷ đồng của 10 năm sau chẳng đáng giá bao nhiêu. Khả năng mua nhà đối với đối tượng làm văn phòng có thu nhập trung bình cao đã gần như không thể.
Các đối tượng khác, có thu nhập thấp hơn hoặc không phải "con nhà người ta" thì chẳng dám tưởng tượng một ngày được sống trong ngôi nhà mang tên mình. Nghèo vẫn nghèo thế thôi, trọ vẫn ở trọ thế thôi!
Một khu dân cư tại Singapore. Ảnh: Dy Khoa.
Mô hình nhà giá rẻ tại Singapore
Nhìn ra nước cách chúng ta khoảng hai giờ bay, được mệnh danh là quốc gia thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới nhưng Singapore lại có chính sách về nhà ở khá đồng bộ và được người dân ủng hộ.
Tạm chia thị trường căn hộ của nước này thành hai nhóm, một nhóm dành cho giới giàu và siêu giàu (nhóm 1) và nhóm thu nhập bình thường (nhóm 2). Nhóm 1 có rất nhiều sự lựa chọn cho nơi ở của họ vì họ có tiền. Nhóm này có thể mua đứt các căn hộ dịch vụ cao cấp (condo) hoặc biệt thự vườn (villa). Giá của chúng lên đến vài chục nghìn, trăm nghìn tỷ đồng là bình thường.
Nhóm 2 gần tương đồng với những nhân viên văn phòng tôi đề cập ở trên, thu nhập bình thường không cao, không thấp. Những người này thường chọn mua nhà do chính phủ xây dựng (HDB) và bán ra.
Điều kiện mua đối với loại hình này là một người (trong hai người) sở hữu mang quốc tịch Singapore, tuổi từ 21 trở lên nếu đã kết hôn hoặc 35 trở lên nếu độc thân và không có bất động sản trước đó (căn nhà đầu tiên).
Nếu người xác định mua nhà có thể chờ đợi thì chờ dự án và tham gia các phiên tranh suất quyền mua. Nếu mua ngay thì xem dự án có sẵn. Dĩ nhiên giá dự án tương lai rẻ hơn dự án hiện hữu. Giá nhà HDB hiện hữu bán lại cao hơn 1,5-2 lần so với nhà dự án và còn tùy theo khu vực mà có sự chênh lệch, ở nhà trung tâm thì giá rẻ hơn rất nhiều.
Bên trong một dự án nhà HDB hiện hữu tại khu vực gần Marine Parade (Singapore). Ảnh: Dy Khoa.
Dù là nhà giá rẻ (so với các dự án cao cấp) nhưng các dự án HDB tại Singapore vẫn được đầu tư bài bản, theo tiêu chuẩn của chính phủ nước này. Ảnh: Dy Khoa.
Chẳng hạn nhà HDB dự án tương lai hai phòng ngủ chỉ khoảng 90.000-162.000 SGD (khoảng 1,5 - 2,7 tỷ đồng). Họ phép trả góp dài hạn đến tối đa 25 năm. Giả sử tôi mua căn hộ 162.000 SGD, trả góp 25 năm thì mỗi tháng tôi chỉ góp hơn 500 SGD (khoảng 10 triệu đồng). Lãi suất vay mua nhà HDB cũng rất thấp, đến mức không đáng kể.
Trong khi đó mức lương của người Singapore cao vượt trội. Một chuyên viên nội dung trong agency có thể kiếm 5.000 SGD/tháng, tương đương 10% thu nhập từ lương.
Biết rằng để đạt được thành tựu ổn định nhà ở như hiện tại thì Singapore cũng đã mất rất nhiều thời gian. Việt Nam trước mắt có thể sử dụng mô hình nhà ở xã hội để học hỏi theo nước bạn. Tuy nhiên, thủ tục mua nhà ở xã hội nên được giản lược để có nhiều hơn các đối tượng tiếp cận. Còn không thì những chàng trai, cô gái độc thân tuổi 30 vẫn tiếp tục cuộc đời ở trọ!
Nhịp sống kinh tế
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/song-doc-than-tuoi-35-o-singapore-se-mua-duoc-nha-gia-re-con-o-vn-thi-sao-8202296141532475.htm
0 Nhận xét