Ba mẹ luôn đề cập đến vấn đề tiền bạc với thái độ gay gắt, tiêu xài hoang phí khiến trẻ học theo.
1. Tiền là một chủ đề cấm kỵ
Chuyên gia ngân sách Mỹ Andrea Woroch cho rằng nhiều gia đình đang mắc nợ thường ngại nói về vấn đề tiền bạc vì sợ con cái lo lắng. Đồng thời, nhiều phụ huynh cho rằng đây không phải vấn đề mà cần trẻ tham gia. "Bạn đang dạy con không nói về tiền nên chính bạn đang hạn chế cơ hội để con học hỏi những điều quý giá về tiền bạc từ sớm", chuyên gia nói.
Tim Sheehan, nhà sáng lập công ty công nghệ Greenlight cũng nêu quan điểm tương tự. Ông tin rằng những đứa trẻ không được cùng bố mẹ thảo luận về tiền bạc sẽ không hiểu giá trị, ý nghĩa của đồng tiền và không biết cách kiếm tiền, quản lý tài chính. "Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc giải thích tại sao người lớn chọn mua nguyên liệu nấu ăn thay vì đồ ăn nhanh", ông đưa ra lời khuyên. Trẻ con cần được trao quyền để phát biểu ý kiến về tiền bạc hơn là chỉ được giảng về vấn đề này.
2. Tiền luôn có sẵn
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng người lớn nên giúp trẻ hiểu rõ tiền kiếm được từ sức lao động, từ công việc chứ không có sẵn hay đơn giản là "mọc trên cây". Bạn có thể cho con làm việc vặt trong nhà, điều này sẽ giúp chúng hiểu nếu làm việc thì sẽ có tiền. Sau đó, trẻ có thể đặt ra mục tiêu tiết kiệm tiền. Điều này giúp dạy trẻ về việc đưa ra các lựa chọn trong thế giới thực thay vì được đáp ứng nhu cầu ngay lập tức.
Ngoài việc dạy trẻ cách kiếm tiền, Sheehan tin rằng việc nhà như dọn xe, đổ rác giúp trẻ trở nên có trách nhiệm hơn và chuẩn bị cho tuổi trưởng thành. Đối với các gia đình không trả tiền cho bé để làm việc nhà, bố mẹ có thể tìm đến các công việc mà hàng xóm đang tìm người giúp đỡ hoặc các cách khác để chứng minh rằng tiền có được nhờ sức lao động chứ không phải từ trên trời rơi xuống.
3. Kiến thức về tài chính chỉ dành cho người lớn
Ngoài việc không nói về tiền bạc, nhiều cha mẹ cũng không cho con quản lý tiền bạc. Tuy nhiên, có nhiều cách phù hợp lứa tuổi trẻ em để hiểu biết tài chính, thực hành các kỹ năng này. Chuyên gia tài chính Kim Kiyosaki gợi ý một số cách phù hợp để giúp trẻ có thêm kiến thức. Trẻ em có thể học về thu nhập, chi phí, lãi và lỗ, dòng tiền, hàng tồn kho, tiếp thị, giá trị thời gian qua các công việc kinh doanh nhỏ trong phạm vi gia đình, hàng xóm như cắt cỏ, đánh giày, bán nước, quét dọn thuê. Bạn cũng có thể mua cổ phiếu của vài công ty quen thuộc với con để chúng theo dõi biến động giá, tìm hiểu về chứng khoán. "Nếu con bạn muốn mua một món đồ mới, hãy hỏi con xem làm thế nào để có thể kiếm được tiền để mua nó", bà Kiyosaki nêu.
4. Nói chuyện về tiền bạc chỉ gợi những cảm xúc tiêu cực
Bà Michelle Clayman, thành viên Viện nghiên cứu định lượng, lý giải trẻ có xu hướng bị ảnh hưởng cảm xúc bởi người thân chăm sóc chúng. Các bé sẽ chú ý đến những điều làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người lớn. Nếu bố mẹ căng thẳng, khó chịu khi nói về tiền bạc, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra và học theo khi lớn lên. Vì vậy, nếu biết thừa nhận và quản lý cảm xúc khi nhắc đến tài chính, cha mẹ sẽ truyền tới con suy nghĩ, thái độ lành mạnh hơn về vấn đề này.
5. Được mua sắm thỏa thích
Bà Andrea Woroch tin rằng sai lầm lớn nhất nhiều cha mẹ gặp phải là chiều con, sẵn sàng mua cho con những gì chúng thích. "Nếu bạn liên tục mua cho con những thứ đồ chơi chúng đòi hỏi, bạn đang truyền cho chúng thói quen mua sắm bốc đồng". Thay vào đó, hãy coi đây là một cơ hội để giảng giải cho bé về tài chính. Khi con gái của Woroch muốn một cái gì đó mới, cô sẽ hỏi con vì sao gia đình mình tới cửa hàng và đồ chơi không nằm trong danh sách mua sắm. Nếu trẻ thực sự cần món đồ đó, bạn có thể cân nhắc hoặc hứa tặng trẻ vào dịp sinh nhật, Giáng sinh.
6. Coi nhu cầu và mong muốn là một
Một phần quan trọng khác về kiến thức tài chính là dạy cho trẻ em sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn. Nhu cầu là nơi ở, thức ăn, còn mong muốn có thể là đồ chơi mới và kẹo. Ngoài việc nói về sự khác biệt, cha mẹ có thể làm gương. "Bạn sẽ khó dạy con hoặc giá trị của việc tiết kiệm nếu bạn liên tục quẹt thẻ tín dụng. Sai lầm lớn nhất mà ta có thể mắc phải khi làm cha mẹ là không cải thiện thói quen, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của chính chúng ta", Kumiko Love, cố vấn tài chính, người sáng lập The Budget Mom cho hay.
Giả dụ con bạn nói bé muốn chiếc áo giá 100 nghìn đồng và bạn bảo con ích kỷ, đang lãng phí tiền không đâu thì có thể trẻ sẽ nhận tín hiệu rằng bé đã sai khi mong muốn một điều gì đó. Bố mẹ có thể thay thế bằng thông điệp khác tới con như: "Chiếc áo đắt hơn khả năng mà bố mẹ có thể mua" hoặc "Chúng ta cần để dành tiền để mua sắm những thứ khác".
Theo Ngôi sao
0 Nhận xét