Nhiều người cứ lầm tưởng sự chiếm hữu là tình yêu, nhưng rõ ràng điều ấy hoàn toàn sai. Vậy làm sao để phân biệt được chúng? Hãy cùng xem 5 sự khác biệt dưới đây.
1. Tình yêu là vị tha - Chiếm hữu là ích kỷ
Khi một ai đó thực sự yêu bạn, họ sẽ chỉ muốn làm những điều khiến cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Họ luôn tìm ra cách để bạn cảm thấy được yêu thương một cách trọn vẹn và đầy đủ. Họ không bao giờ đong đếm hay tranh cãi về việc ai sẽ giúp ai nhiều hơn, hoặc ai là người phải hi sinh nhiều hơn. Họ không vòi vĩnh vật chất hay cố gắng kiểm soát các mối quan hệ xung quanh của bạn.
Còn khi họ chỉ muốn bạn gắn bó với mình, thì họ hay xem xét những điều mà bạn có thể làm cho họ hạnh phúc. Họ trở nên phụ thuộc nhiều vào những việc làm của đối phương, thậm chí có thể cố gắng để kiểm soát bạn. Thay vì tự tìm cách giải quyết vấn đề riêng của họ, họ lại muốn bạn giải quyết giúp mình. Họ thường xem bạn như một công cụ để lấp đầy khoảng trống trong lòng. Họ luôn nghĩ rằng bạn phải có trách nhiệm làm cho họ hạnh phúc. Bằng chứng là họ sẽ dễ dàng thất vọng hay tức giận nếu bạn không làm họ hài lòng.
2. Tình yêu là cùng phát triển - Chiếm hữu là kìm hãm nhau
Nếu bạn đang có một mối quan hệ nghiêm túc, bạn sẽ nhận thấy mình có những sự thay đổi tốt lên nhất định, và người yêu bạn cũng vậy. Đấy là bởi bạn và nửa kia của mình đang giúp đỡ nhau phát triển, hoàn thiện bản thân hơn. Cả hai bạn sẽ trở thành một trong những nhân tố kích thích sự phát triển tốt đẹp của người kia.
Nhưng trong trường hợp chỉ nghĩ đến việc sở hữu, bạn (hoặc người kia) sẽ chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để kiểm soát đối phương, và khi đó bạn (hoặc người kia) cũng không có khả năng giải quyết những vấn đề riêng tư của mình. Khi đó chẳng có ai trong 2 bạn có thể phát triển tốt hơn được.
3. Tình yêu là tự do - Chiếm hữu là ràng buộc
Tình yêu thật sự luôn khiến bạn tự tin là chính mình. Một nửa của bạn sẽ luôn khuyến khích bạn hãy là chính bạn, đừng sợ hãi việc bộc lộ yếu điểm, bởi đó mới là con người thật sự của bạn. Sự tin cậy lẫn nhau chính là chất xúc tác khiến mối quan hệ của hai bạn phát triển bền vững hơn về sau. Nếu bạn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, họ sẽ không ngần ngại để bạn đi ra khỏi tầm kiểm soát của họ. Tình yêu vốn dĩ không phải là sự ràng buộc.
Trái lại, nếu họ có ý định chiếm hữu bạn, thì họ sẽ có xu hướng kiểm soát bạn chặt chẽ. Đó là khi họ không muốn bạn dành thời gian cho bạn bè, hoặc luôn luôn muốn bạn phải đặt họ vào trung tâm, mà quên mất đi việc chính họ cũng nên làm hài lòng bạn. Họ thậm chí có thể kiểm soát bạn đến mức yêu cầu bạn luôn ở bên cạnh mình, khiến bạn bị kìm kẹp.
4. Tình yêu là vĩnh cửu - Chiếm hữu là nhất thời
Tình yêu thật sự sẽ trường tồn cùng thời gian, dù hai người yêu nhau đến một lúc nào đó có thể sẽ chia tay. Nhưng nếu bạn thật sự yêu thương đối phương, người đó sẽ luôn luôn có một chỗ trong trái tim của bạn, và bạn sẽ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với họ sau này.
Ngược lại, khi bạn chỉ muốn chiếm hữu tình yêu, bạn sẽ cảm thấy oán giận đối phương sau khi chia tay. Những cảm xúc đó xuất phát từ việc bạn đã giả định rằng đối phương có nghĩa vụ phải làm cho bạn hạnh phúc. Và khi họ không còn làm điều đó cho bạn nữa, bạn cảm thấy họ như thất hứa hay trở thành kẻ phản bội bạn.
5. Tình yêu khiến cái tôi nhỏ lại - Chiếm hữu làm cái tôi lớn dần
Khi yêu, bạn không còn xem mình là trung tâm của mọi thứ nữa. Mối quan hệ tình cảm của bạn khiến bạn giảm bớt cái tôi của mình, khuyến khích bạn cho đi và biết yêu thương nhiều hơn. Mối quan hệ giữa bạn và người yêu chính là nhiên liệu tốt nhất kích thích sự thay đổi tích cực cho cả hai. Quan trọng hơn, cả hai sẽ có can đảm để chia sẻ những yếu điểm của mình và học được cách giao tiếp với nhau từ trái tim.
Đây là lý do tại sao nhiều người liên tục rơi vào vòng xoáy các mối quan hệ không lành mạnh. Bạn thấy khó khăn trong việc nhìn thẳng vào bên trong chính mình để giải quyết vấn đề của bạn. Và đương nhiên mối quan hệ sẽ hoàn toàn có khả năng trở nên bế tắc và đi đến đổ vỡ.
0 Nhận xét