Tốc độ thành công của bạn nhất định phải vượt qua tốc độ già đi của bố mẹ.



Tốc độ thành công của bạn nhất định phải vượt qua tốc độ già đi của bố mẹ.

Hôm nay tôi tình cờ xem một clip ngắn bên Trung Quốc, trong tiết học đặt câu, khi cô giáo ra đề em hãy đặt câu với từ: "Nếu như", có một cậu bé đã đặt thế này:"Nếu như em là gà mái, em sẽ đẻ trứng cho mẹ em ăn suốt đời."
Có người thấy cậu bé đặt câu quá buồn cười, nhưng tôi không hiểu sao nước mắt mình lại cứ rơi.
Mỗi người chúng ta, trước khi bước vào đời, ước nguyện đầu tiên luôn là phấn đấu vì cha mẹ, và vì chính mình. Nhưng trải qua sự bào mòn của thời gian, ước nguyện ban đầu đó, đã bị lãng quên rồi.

ĐÃ BAO LÂU RỒI BẠN CHƯA VỀ THĂM CHA MẸ?
Ông Minh năm nay vừa tròn 70 tuổi, vợ ông cũng đã được 68 tuổi.
Trước khi nghỉ hưu, cả hai vợ chồng ông Minh đều là giáo viên trong huyện.
Hai người còn trai của ông Minh, một người học ở Bách Khoa, một người học ở Đại học Sư phạm kĩ thuật TP.HCM. Người con thứ nhất sau khi tốt nghiệp đại học đã tiếp tục học lên cao học và hiện tại đang định cư ở TP.HCM.
Sau khi 2 người con tốt nghiệp, hai vợ chồng ông Minh nương tựa với nhau ở quê gần 10 năm. Thỉnh thoảng, họ cũng nhớ con mình, nhưng chỉ dám gọi điện hỏi thăm, vì họ sợ con mình bận việc, không có thời gian về nhà, muốn lên thăm con lại sợ làm phiền cuộc sống riêng của hai vợ chồng bọn họ.
Cuộc sống tuy trống vắng, nhưng hai vợ chồng già nương tựa nhau, thêm khoản lương hưu và tiền trợ cấp mà hai đứa con gửi về mỗi tháng, cuộc sống hai ông bà trôi qua cũng không đến nỗi.
Nhưng sau đó, ông Minh bị bệnh tim nặng, còn vợ ông lại bị cao huyết áp.
Họ biết rất rõ nếu một trong hai người họ ngã xuống, người kia sẽ không đủ bình tĩnh và sức khỏe để cõng người còn lại ra khỏi nhà, gọi xe cứu thương đến.
Cho đến một ngày, khi ông Minh bị đưa vào bệnh viện vì lên cơn tim, hai hôm sau hàng xóm cũng phát hiện ra vợ ông đang ngất trên sàn nhà và cũng được đưa vào nhập viện.
Không phải họ chưa từng nghĩ đến việc lên thành phố sống cùng con.
Cả hai người con của ông bà đều thành đạt, mua nhà trên thành phố, và có vợ con cả. Chỉ có điều không có người nào chủ động yêu cầu để ông bà sống chung với họ, nên ông bà sợ làm phiền con mình, cũng thôi không đả động đến.
"Thành phố là nơi xô bồ, con cái mình khó khăn lắm mới có được một chỗ đứng ở đó, phận làm cha mẹ không nên xáo trộn cuộc sống của chúng nó" – Hai ông bà nghĩ vậy đấy. Nhưng họ không ngờ, khủng hoảng tuổi già, những phần trong "sinh, lão, bệnh, tử" lại đột nhiên đến với họ nhanh như vậy.
Thế nên trong bệnh viện, hai ông bà đã quyết định sẽ cùng nhau vào viện dưỡng lão.
Có lẽ viện dưỡng lão là nơi dừng chân cuối cùng của hai vợ chồng ông trong cuộc đời này.
Lúc rời khỏi nhà, hai vợ chồng ông Minh nghĩ đi nghĩ lại, có vẻ như họ cũng không cần mang theo quá nhiều thứ trong nhà.
Hôm đó, hai đứa con bận việc nên không thể về, nếu họ chịu bỏ hết mọi việc trong tay để có thể trở về thăm ba mẹ mình, chắc chắn sẽ phát hiện ra: Ngoài thẻ lương hưu và giấy tờ tùy thân, thứ còn lại hai ông bà đem theo, chính là những bức ảnh chụp hai anh khi còn nhỏ.
Tất cả những thứ vật chất ngoài thân mà ta cố tích lũy ở nửa đời trước, đến khi già rồi, gần đất xa trời rồi, đều không thể mang đi, và cũng không cần thiết phải mang đi nữa.

TÔI CHỢT PHÁT HIỆN RA CHA MẸ MÌNH ĐÃ GIÀ RỒI
Đây là bức thư tôi nhận được từ một độc giả, câu nói đầu tiên của anh ấy trong bức thư, đã bộc lộ rất nhiều cảm xúc.
Mười năm trước, anh ấy một mình từ nông thôn vào thành phố định cư, phấn đấu đến hiện tại.
"Thời gian là thứ hữu tình cũng là thứ vô tình nhất, nó xoa dịu nỗi đau của nhiều người nhưng cũng cuốn đi tuổi trẻ, và tàn phá sức khỏe của cha mẹ tôi.
Còn nhớ những ngày học đại học, có hôm bạn cùng phòng tôi đi về quê hết rồi, tôi còn ở lại vội ăn đại gói mì để tranh thủ đi làm thêm thì cha mẹ tôi bất ngờ lên thăm. Hai ông bà vội lấy đùi gà chiên và mấy miếng sườn nướng còn thơm phức trong cái cặp lồng đã cũ kĩ ra bảo tôi tranh thủ ăn cho còn nóng. Nhưng vì sợ trễ làm nên tôi chỉ ngạc nhiên hỏi sao hai ông bà lại lên thăm rồi bảo họ ngồi chờ trong phòng và tranh thủ đi làm.
Đến lúc tôi đi làm về thì phòng đã được quét dọn sạch sẽ, đồ đạc của tôi đã được giặt giũ thơm tho, thức ăn cũng được bỏ hộp kĩ lưỡng. Tôi tính gọi điện hỏi họ về đến nhà chưa thì họ đã gọi cho tôi trước. Bảo về đến nhà rồi, còn dặn tôi nhớ ăn uống đầy đủ. À, họ còn nhét thêm 2 triệu dưới gối của tôi."
Nhưng đến khi anh ấy thành công, lấy vợ, sinh con rồi. Bởi vì vợ anh thích sống riêng, mà cha mẹ anh cũng không thích sống ở thành phố, nên điều duy nhất anh ấy có thể làm chỉ là xây dựng lại nhà cũ dưới quê cho họ, lâu lâu quay về thăm hoặc đưa họ lên thành phố dạo chơi công viên.
"Hôm đó cha mẹ tôi nhìn xung quanh, cứ hỏi cái này cái kia như một đứa trẻ, tôi cứ mãi đi đằng trước mà quên chú ý, họ chỉ mới đi bộ trên khu mua sắm một lát đã thở hồng hộc và trông có vẻ rất mệt nhọc, khi đó tôi chợt nhận ra, cha mẹ tôi thực sự đã già rồi."
Anh ấy nói, trong hôm Tết Nguyên Đán, một người bạn cùng lớp đã phải chạy vội về quê trong lúc 12 giờ đêm để làm đám tang cho cha mình.
Khi đó anh ấy mới nhận ra, anh ấy vẫn chưa đủ tốt với cha mẹ, vẫn chưa... cho hai ông bà một cuộc sống dưỡng già vô lo vô nghĩ đúng nghĩa của nó, vẫn chưa làm tròn ước mơ thuở ban đầu khi anh một mình đơn độc vào thành phố: "Kiếm tiền về nuôi cha mẹ".

TỐC ĐỘ THÀNH CÔNG CỦA BẠN NHẤT ĐỊNH PHẢI VƯỢT QUA TỐC ĐỘ GIÀ ĐI CỦA BỐ MẸ
Theo dự báo, đến năm 2050, số người cao tuổi trên thế giới sẽ đạt mốc 2,02 tỷ người. Tốc độ lão hóa của con người cũng ngày càng tăng, do các tác nhân: không khí ô nhiễm, khí hậu nóng bức, thức ăn độc hại,...
Bạn liều mạng đấu tranh trong thành phố lớn, không sai chút nào.
Bởi vì ở thành phố lớn, bạn mới có nhiều cơ hội phát triển, công việc dễ tìm và thu nhập cũng cao hơn nhiều so với ở quê.
Nhưng dù có bận thế nào cũng nên nhớ, trong thời gian bạn nỗ lực và nghĩ rằng cha mẹ vẫn đang chờ bạn ở quê nhà kia, là lúc họ đã bắt đầu già đi.
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường an ủi mình rằng, cha mẹ đã lớn, có thể tự chăm sóc chính mình, nhưng trên thực tế, họ đã dần già, dần yếu đi rất nhiều.
Bạn muốn tận dụng tuổi trẻ, cố gắng leo thêm vài bước nữa, để tích lũy được nhiều tài sản, để dùng nỗ lực hôm nay đánh đổi sự dễ dàng và cuộc sống rạng rỡ trong tương lai.
Biết rằng không có việc nào là vẹn toàn, nhưng mong rằng dù có bận rộn hay mệt mỏi đến đâu, bạn vẫn có thể dành thời gian bầu bạn và trở về thăm cha mẹ khi họ cần bạn nhất. Trở thành mái hiên che mưa chở nắng cho họ như chính họ từng làm với bạn khi còn nhỏ.
Thế nên theo tôi, mặc dù vấn đề bạn làm việc ở thành phố, để lại mình cha mẹ sống ở quê nhà này không có cách nào để giải quyết hoàn hảo.
Nhưng cái bạn có thể làm chính là tận lực cho họ một sự an toàn về vật chất và sự đồng hành về tinh thần trong khả năng của bạn.
Dù bận đến đâu, chỉ cần một cuộc điện thoại hỏi thăm, một lá thư viết tay gửi về,... cha mẹ của bạn chắc chắn cũng sẽ rất vui mừng rồi.
Mong rằng sự cố gắng của mọi người đều không uổng phí, cũng mong rằng mọi người sớm thành công trên bước đường mình đã chọn, chạy đua theo thời gian, mau mạnh mẽ để che chở cha mẹ trước khi họ già đi.

Nguồn trí thức trẻ
#sinhvien
#baihoc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét