ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG TUỔI ĐÔI MƯƠI...



ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG TUỔI ĐÔI MƯƠI...

12 dấu hiệu khủng hoảng tuổi đôi mươi:
- Thường xuyên thấy buồn chán, vô nghĩa
- Bị ám ảnh bởi những câu hỏi: Tôi là ai? Ý nghĩa cuộc sống này là gì? Tôi sinh ra để làm gì?
- Hay cảm thấy lạc lối, lạc lõng, lạc loài, lạc đường, lạc bầy, lạc nhịp và các loại lạc khác.
- Biết rằng mình nên làm gì đó nhưng không biết chính xác làm nên làm gì, hoặc không biết làm thế nào để bắt đầu.
- Không ngừng so sánh mình với người khác. Thường xuyên thấy ghen tỵ, bất mãn.
- Hay có cảm giác cô đơn, lo sợ.
- Không biết mình thích gì, muốn gì, đam mê của mình là gì.
- Hay cảm thấy áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống. Không muốn làm gì cả.
- Hay trì hoãn quyết định.
- Thường xuyên thấy mình bất tài, vô dụng. Không có niềm tin vào bản thân
- Chán nản với việc học, muốn bỏ học giữa chừng. Hoặc căm ghét công việc của mình. Thấy công sở như nhà tù. Ao ước trở lại trường học.
- Ngủ rất nhiều.

6 kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng:
- Tập luyện thể thao: tinh thần cường tráng trong một cơ thể khỏe mạnh. Sức khỏe tốt và cơ thể đẹp đẽ đem lại cảm giác phấn chấn, tạo điều kiện cho những thay đổi tích cực khác. Thường xuyên chạy bộ, đi bơi, đạp xe đạp, tập yoga, dưỡng sinh, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông.
- Đọc: đọc nhiều sách để tiếp tục tiếp thu kiến thức, biết được những điều mới, cải thiện tinh thần và phần nào đó tìm lời giải cho bản thân. Gợi ý số lượng: 52 quyển mỗi năm. Mỗi tuần một quyển.
- Làm: nâng cao năng lực hành động. Nếu có dự định mong muốn gì thì hãy bắt tay vào thực hiện, ngay và luôn. Dù gì đi nữa thì hãy làm một cái gì đó. Nằm ngủ và mơ mộng không phải là giải pháp cho khủng hoảng.
- Đi: đi nhiều nơi gặp nhiều người cũng là một cách để giúp người trẻ cọ xát, tự tin và có nhiều cơ hội hơn. Mình gặp khá nhiều bạn trẻ phương Tây lựa chọn đi du lịch bụi khám phá thế giới như một cách để tìm hiểu bản thân, thay đổi cuộc sống.
- Chia sẻ. Lập một blog cá nhân và thường xuyên ghi lại những gì mình cảm thấy. Hoặc tìm một người đáng tin cậy và có khả năng lắng nghe tích cực để chia sẻ tâm sự.
- Tìm kiếm “bộ lạc” của bạn. Tìm kiếm và tích cực tham gia vào hoạt động của một đội nhóm phù hợp với bản thân. Những tổ chức từ thiện, tình nguyện, những câu lạc bộ, đội nhóm thể thao. Đặc biệt là những đội nhóm có người đứng đầu khiến ta ngưỡng mộ, để học được nhiều từ người đứng đầu đó. Thành viên bộ lạc tuy không phải lúc nào cũng cùng chung quan điểm nhưng có cùng giá trị sống. Họ không những là chỗ dựa, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, mà nhiều khi còn trở thành mái nhà thứ hai, thứ ba của ta. Những tài liệu tư vấn hướng nghiệp có đề cập rằng việc tham gia hoạt động đội nhóm còn giúp người trẻ được những kỹ năng thiết yếu và thiết lập mạng lưới quan hệ giúp ích cho công việc tương lai.

Nguồn: Rosie Nguyen

Đăng nhận xét

0 Nhận xét