Nhiều người khi mới bước vào đời sống hôn nhân thường cảm thấy hụt hẫng, thấy người bạn đời của mình như biến thành một con người khác chứ không phải là người mà mình đã yêu thương. Sự hụt hẫng này dẫn đến những than phiền, bức xúc kiểu như “tôi đã nhầm khi lấy anh, em”.
Thực tế không hiếm những cặp đôi yêu nhau khi bước vào đời sống hôn nhân đã rơi vào trạng thái “vỡ mộng”, cảm thấy mình đã “chọn nhầm người”. Chuyện của Mai là một ví dụ.
Mai và chồng yêu nhau suốt bốn năm đại học. Những ngày còn yêu nhau đó, Mai cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc. Cô mãn nguyện với tình yêu của mình. Bởi Mai nhận thấy chồng yêu cô nhất trên cuộc đời này, yêu hơn tất thảy mọi thứ khác.
Mai “nhỏ con” nhưng có khuôn mặt đẹp. Chồng là người cùng quê. Bố mẹ chồng là công chức bình thường như bố mẹ Mai . Chỉ khác là gia đình chồng hạnh phúc trọn vẹn hơn gia đình Mai .
Khoảng thời gian sinh viên, niềm hạnh phúc lớn nhất của Mai chính là chồng cô hiện tại, tình yêu của cô. Ngày đó anh ta yêu chiều Mai vô cùng. Anh chiều người yêu đến độ đi tất, đi giày cả cho người yêu. Ngày đó họ lúc nào cũng như đôi chim sẻ, ríu ra ríu rít. Họ yêu nhau như vậy suốt bốn năm học đại học.
Ra trường, họ lấy nhau. Một tình yêu dài lâu như vậy tưởng khi bước vào hôn nhân sẽ càng đơm hoa kết trái. Ấy vậy mà lấy nhau chưa được hai năm, Mai và chồng đưa nhau ra tòa. Lý do là vì Mai thấy chồng thay lòng đổi dạ, không còn yêu mình. “Trước một hạt bụi bay vào mắt, anh ấy đã mất ăn mất ngủ vì lo cho người yêu. Ấy vậy mà sau khi lấy nhau, em khóc sưng cả mắt anh ấy cũng mặc kệ. Anh ấy cứ đi sớm về khuya, chẳng cần biết em vò võ một mình chờ cơm như “hòn vọng phu” chờ chồng. Trước em có dỗi hờn một chút là đã cuống cà kê. Còn sau khi lấy nhau, em mà dỗi còn bị ăn mắng. Anh ấy quay ngoắt 180 độ so với trước đây. Em cảm thấy mình bị lừa. Anh ấy không yêu em như em tưởng. Em đã lấy nhầm người”,
Mai kể.
Mai không phải là trường hợp hiếm gặp mà trên thực tế rất nhiều cặp đôi đã ly hôn ngay trong năm đầu tiên trở thành vợ chồng mặc dù trước đó họ đã có thời gian yêu nhau dài lâu. Thậm chí có cặp đôi còn ly dị ngay chỉ trong vài ba tháng sau khi tổ chức đám cưới. Có nhiều nguyên nhân khiến các cặp đôi tan vỡ hôn nhân nhưng nguyên nhân lớn nhất đó là họ không chấp nhận được cá tính của nhau, cảm thấy “sốc” vì nhận ra con người thật của chồng hoặc vợ mình.
Xung đột, vỡ mộng trong hôn nhân
Theo các chuyên gia, giai đoạn 5 năm đầu hôn nhân được xem là giai đoạn chông chênh nhất. Giai đoạn mà giới tâm lý thường gọi đó là giai đoạn khủng hoảng, giai đoạn vỡ mộng trong hôn nhân. Vỡ mộng về tính cách, vỡ mộng về cách ứng xử và vỡ mộng cả về… tình cảm của người bạn đời. Sở dĩ gọi đây là giai đoạn “vỡ mộng” của một cuộc hôn nhân là bởi các cặp vợ chồng dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng khi mới về chung sống cùng nhau. Hụt hẫng vì bị “rơi” từ giấc mơ của những người đang yêu xuống thực tế của một cuộc sống chung với bao nhiêu chi tiết đời thường. Hụt hẫng còn vì họ chưa được chuẩn bị tâm thế cho cuộc sống chung.
Chuyên gia Tâm Lý Học Tình Yêu Hôn Nhân cho biết, trung tâm nhận nhiều ca của các cặp vợ chồng ở giai đoạn này, than phiền, bức xúc chung của họ là: Lấy nhầm người, hay anh ta/cô ta thay đổi "trăm tám mươi độ" rồi. Nhưng đó lại là thực tế tất yếu. Bởi khi yêu và khi trở thành vợ chồng là hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau.
Khi yêu nhau, cuộc sống của hai người chỉ cần “hoa hồng và nước lã”. Vì lúc này họ không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Việc đó, theo văn hóa của người Việt thì đã có bố mẹ lo. Nhưng khi trở thành vợ chồng thì cả hai người không thể sống nhờ “hoa hồng và nước lã” nữa. Lúc này là một gia đình với đủ thứ phải lo toan về cơm áo gạo tiền, của những bổn phận và trách nhiệm. Sự vỡ mộng hôn nhân giai đoạn 5 năm đầu tiên vì thế không phải của riêng cặp đôi nào mà là tình trạng chung.
Cũng theo chuyên gia, sau hôn nhân, những mệt mỏi, cáu gắt, cãi vã, trách móc, đòi hỏi xuất phát từ việc phải xây dựng một gia đình mới "từ không đến có". “Lúc này, vợ chồng phải đối diện trăm thứ việc cơm áo, gạo tiền, phải nấu ăn, rửa chén, giặt đồ, lau nhà, con nhỏ quấy khóc, đau ốm… Hai người đang từ “con người lãng mạn” nay sống bằng “con người thực” không lãng mạn, không phô bày cái tốt như hồi yêu nhau nữa. Ngoài ra, hai người đang ở hai gia đình có hai nếp sống khác nhau nay về ở chung, có khi rất trái ngược nhau về thói quen sinh hoạt, cư xử, dẫn đến xảy ra rất nhiều xung đột trong giai đoạn này. Mâu thuẫn ngày càng tăng khi mỗi bên đều muốn chứng tỏ mình là đúng và đôi bên đều nghĩ là sẽ giải quyết tình hình bằng cách “chiến đấu ngoan cường” với nhau để cải tạo bên kia theo ý của mình. Nguy cơ chông chênh là ở chỗ cứ mỗi lần mâu thuẫn là họ lại cho rằng cần phải xem xét lại cuộc hôn nhân", chuyên gia nói.
Tình yêu hay hôn nhân, đó là một mối quan hệ lâu dài; mà con người ta thì chẳng ai hoàn hảo cả, càng sống với nhau lâu có thể ta càng nhìn thấy rõ những thói hư, tật xấu của đối phương; cũng có thể sống với nhau lâu thì ta cảm thấy nhàm chán… Nhưng ta sống với nhau ngoài tình yêu còn có tình thương và trách nhiệm. Thế nên, khi ta yêu hay kết hôn với một ai đó ta phải biết bao dung, tha thứ cho họ; biết chấp nhận cả những điều chưa hoàn thiện của đối phương nữa. Nếu em cứ mong chờ một người hoàn hảo, chỉ mang đến cho em niềm vui, hạnh phúc thì em chẳng bao giờ tìm được.
0 Nhận xét