Giảm cân không rõ nguyên nhân là dấu hiệu bệnh lý nào?

Có nhiều người vui mừng vì giảm cân, hình thể đẹp chưa lâu, bỗng sốc nặng khi được chẩn đoán ung thư. Có khoảng 40% bệnh nhân lần đầu được chẩn đoán ung thư có sụt cân không rõ nguyên nhân và có đến 80% người bị ung thư giai đoạn cuối bị sụt cân.

Bác sĩ Hà Hải Nam tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh: HÀ LINH

Chán ăn có thể là khởi đầu nhiều bệnh lý

Bác sĩ Hà Hải Nam, phó trưởng khoa ngoại bụng 1 Bệnh viện K, cho biết rất nhiều bệnh nhân sút cân có những dấu hiệu rất bất thường như buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài có máu… phải nhập viện điều trị với chẩn đoán bệnh lý. Nhưng có những người chỉ chán ăn, đi kiểm tra sức khỏe lại ngỡ ngàng khi bị ung thư.

Gần đây bác sĩ Nam nhận một bệnh nhân nữ 40 tuổi đi khám chỉ vì thấy chán ăn. Trùng hợp là chị cũng đang muốn giảm cân để duy trì vóc dáng, nên suốt vài tháng qua chị không thấy có gì đáng ngại dù những người xung quanh có nhắc nhở rằng thân hình chị có vẻ ngày càng gầy đi.

Cho tới khi bước lên cân cách đây vài ngày, chị giật mình khi cân nặng chỉ còn chưa tới 40kg (trước đây bệnh nhân nói con số này là trên 50kg).

Tìm hiểu được biết, suốt gần 6 tháng qua chị luôn trong trạng thái chán ăn, có ngày chỉ ăn một chút bánh và uống thuốc vitamin tổng hợp, cộng thêm một cốc nước hoa quả và hoàn toàn nói không với tinh bột trong suốt thời gian dài vì cứ nhìn thấy cơm canh là thấy chán, không ngon.

Cho rằng đó là kết quả của việc ăn kiêng giữ dáng, cộng với công việc hằng ngày vất vả, chị không hề nghi ngờ gì. Thế nhưng khoảng hơn 2 tuần nay, chị cảm thấy buồn nôn và đau tức vùng thượng vị.

Bệnh nhân đã mua thuốc uống nhưng chỉ đỡ được thời gian ngắn rồi các triệu chứng lại xuất hiện dày đặc hơn. Tới lúc này, sự lo lắng đã xuất hiện khiến chị đi khám.

Cầm tờ kết quả xét nghiệm máu và nội soi mà chị cầm về, đến bác sĩ cũng sững sờ: "Ổ loét lớn góc bờ cong nhỏ dạ dày nghi ngờ ác tính, đề nghị nhập viện sớm". Chưa hết, xét nghiệm máu cho thấy chị đang trong tình trạng thiếu máu mức độ trung bình. Điều này thể hiện rõ một thực tế: bệnh của chị có lẽ không còn ở giai đoạn sớm nữa.

Đối diện với câu hỏi của bác sĩ: "Chị có sẵn lòng nhập viện để điều trị bệnh không?", chị im lặng, đôi mắt đỏ hoe thẫn thờ.

Bất giác, chị hỏi lại: "Bác sĩ có chắc không? Chỉ là chán ăn thôi mà lại có thể thành nguy hiểm như vậy?". Sau đó, kết quả sinh thiết tại dạ dày khẳng định chẩn đoán là chính xác.

80% bệnh nhân ung thư sụt cân

Bác sĩ Hà Hải Nam cho biết theo Hiệp hội Ung bướu Hoa Kỳ, có khoảng 40% bệnh nhân lần đầu được chẩn đoán ung thư có sụt cân không rõ nguyên nhân, có đến 80% người bị ung thư giai đoạn cuối bị sụt cân và gầy còm do kết hợp mất cân nặng và giảm khối cơ.

Giảm cân do ung thư thường xảy ra với rất nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tụy; ung thư thực quản; ung thư dạ dày, đại trực tràng; ung thư phổi…

Nguyên nhân chán ăn là do các chất tiết ra từ khối u, cytokines (yếu tố trung gian gây viêm) gây nên. 50% bệnh nhân lúc chẩn đoán ung thư ngay ban đầu đã có cảm giác chán ăn, nhiều bệnh nhân "tự bỏ đói" vì không muốn ăn.

No sớm sau đó phát triển lên chứng chán ăn và đây là nguyên nhân khiến 30% bệnh nhân ung thư tử vong. Dấu hiệu no sớm gồm thay đổi vị giác, khứu giác, màng ruột, sợ thịt và buồn nôn…

Lý do sụt cân là do tế bào ung thư là những tế bào rất "đói", có xu hướng cần nhiều năng lượng để phát triển, phân chia (tế bào ung thư khác tế bào bình thường là nó phân chia rất nhiều và không chịu dừng lại).

Tế bào này lấy năng lượng từ chính nguồn dinh dưỡng cơ thể đưa vào. Cho dù chúng ta có nhịn ăn, không cung cấp dinh dưỡng qua đường ăn uống nữa, tế bào ung thư vẫn sẽ lấy năng lượng từ chính các tế bào lành.

Sau đó, khi tế bào ung thư phát triển, nó sẽ chèn ép, xâm lấn các tế bào lành và ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan quan trọng; cơ thể phải dùng protein dự trữ tại gan để bù đắp, giữ lại chức năng tạng quan trọng, đồng thời cấp năng lượng để nuôi dưỡng tế bào lành bị thiếu hụt trầm trọng.

Điều này khiến các chỉ số cơ thể tụt xuống mà bình thường chúng ta không rõ lý do tại sao.

"Khi chúng ta không trong giai đoạn giảm cân, ăn kiêng, không có các bệnh lý cấp tính khiến suy giảm cân nặng như không sốt, không mất nước, không đi ngoài… có thể đó là một trong những triệu chứng cảnh báo chúng ta mắc ung thư" - bác sĩ Nam nhấn mạnh.

Vậy mức sụt giảm cân là bao nhiêu có thể nghĩ đến ung thư? Tương đương khoảng 10% trọng lượng cơ thể trong 3 tháng. Ví dụ cơ thể bạn 50kg nhưng chỉ trong 3 tháng giảm mất 5kg và không rõ lý do. Đây chính là con số đáng báo động.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư phụ thuộc vào cơ quan bị ung thư, kích thước của tổn thương và mức độ ảnh hưởng của chúng tới các mô và cơ quan lân cận. Nếu ung thư lan rộng (di căn), dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện ở rất nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể.

Dấu hiệu và triệu chứng phổ biến có thể do ung thư gây ra. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không đặc hiệu, có thể gặp ở những trường hợp bệnh lý lành tính khác:

- Mệt mỏi hoặc kiệt sức mà không đỡ khi nghỉ ngơi.

- Sụt cân hoặc tăng từ 4-5kg trở lên không rõ lý do.

- Các bất thường về ăn uống như không cảm thấy đói, khó nuốt, đau bụng hoặc buồn nôn và nôn.

- Sưng hoặc nổi cục ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

- Có khối u hoặc sờ thấy cứng bất thường ở trên da, vú, vùng cổ, vùng bụng hay các bộ phận khác của cơ thể (tứ chi, thân mình, hàm mặt...).

Nguồn: https://tuoitre.vn/giam-can-khong-ro-nguyen-nhan-la-dau-hieu-benh-ly-nao-2023062107494638.htm

Đăng nhận xét

0 Nhận xét