Có vẻ như 3 vấn đề: nhà, xe, hôn nhân là quan trọng nhất với người trưởng thành, thậm chí có người cho rằng nếu 3 phương diện này được giải quyết, thì những vấn đề khác không là gì cả.
Trong 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học, dường như vấn đề của hầu hết mọi người luôn quẩn quanh: Công việc, nhà, xe, hôn nhân.
Một phần bởi vì trong mắt cha mẹ và người lớn tuổi, nhà, xe và hôn nhân từ lâu đã hình thành một giá trị cốt lõi ăn sâu vào tâm trí họ: sự ổn định. Đối với các bậc tiền bối, chỉ cần ổn định sẽ vượt lên tất cả, nhưng có thật thế không?
“Tuổi 30 lập nghiệp”, ở ngưỡng cửa này của cuộc đời, quan niệm về nhà, xe và hôn nhân là vô cùng cần thiết để xây dựng một tinh thần vững chãi cho sau này.
Nhà ở: là tài sản, cũng là sự ràng buộc
Thật không may, vấn đề của nhiều người hiện nay không phải là “Có nên mua nhà hay không” mà là có đủ khả năng để chịu đựng sự ràng buộc khi mua nhà hay không. Nhà cửa là tài sản, không sai, nhưng nó cũng là một sự trói buộc.
Rất nhiều người sau khi kết hôn sinh con, phong cách làm việc của họ bỗng trở nên bảo thủ và chuộng an toàn hơn. Thực ra nhà ở cũng vậy, không ít người cảm thấy trước tiên nên có nhà ở thành phố để an cư lạc nghiệp, sau đó mới suy nghĩ kỹ hơn đến chuyện trả góp hàng tháng.
Hành vi này dễ khiến con người ta hình thành tư duy của người lao động nhập cư, chỉ biết tìm cách đảm bảo thu nhập bình quân, không dám có những ý tưởng quá mạo hiểm hay cấp tiến. Nhưng đối với những người trẻ, việc thu hẹp tư duy của mình vì những khoản thế chấp không phải là điều tốt.
Hơn nữa, nếu chỉ dùng tiền để thế chấp nhà ở, đồng nghĩa với việc chúng ta đang từ chối đầu tư vào phát triển bản thân, nên nhớ rằng tiền dùng cho mục đích nâng cấp bản thân không bao giờ là thừa.
Những người trẻ mới ra xã hội không thể mua nhà trong thành phố lớn là chuyện bình thường. Nhìn từ góc độ khác, hãy tiêu tiền kiếm được một cách chính đáng, thông minh để nâng cao đời sống và tăng thu nhập trong tương lai. Chỉ có hoàn thiện bản thân khi còn trẻ mới có thể mua được một căn nhà cho riêng mình.
Xe hơi: chưa kết hôn thì đừng mua xe!
Từ quan điểm kinh tế, chi phí xăng, phí bảo hiểm cộng với phí sửa chữa chắc chắn không thể ít hơn chi phí sử dụng dịch vụ xe công nghệ. Thế nên, điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến khi muốn mua một chiếc hơi là: “Nếu không đủ điều kiện thuê tài xế, thì tại sao phải mua xe hơi?”
Thời đại bây giờ, bạn có thể tận hưởng dịch vụ gọi xe trên điện thoại, vậy tại sao bạn phải dành thời gian tự lái xe? Đối với chúng ta, chiếc xe bây giờ giống như một văn phòng di động hơn, ta có thể gọi điện, nói chuyện công việc với đối tác, thậm chí có thể chợp mắt trên xe khi mệt.
Nhưng nếu bạn thật sự phải mua xe hơi, hãy đợi lấy vợ, sinh con đã! Sau khi kết hôn mới mua xe sẽ thuận tiện hơn cho việc đi lại của gia đình, thế nên mua xe lúc đó là chuyện dễ hiểu.
Kết hôn: trước tiên hãy hiểu mình
Đối với những người đã ngoài 30 nhưng chưa kết hôn, có lẽ là do họ chưa hiểu tình yêu, cũng có thể là do họ chưa hiểu chính mình. Tại sao người thành thị kết hôn muộn?
Một phần là do tính di động cao của thành phố, người thành thị thường không ổn định, và không ổn định là nguy cơ số một của hôn nhân. Đừng quá tham lam, cũng đừng quá thỏa hiệp, có lẽ đây mới là cách mở đầu hôn nhân đúng đắn.
Kết hôn sớm chưa chắc đã hạnh phúc, kết hôn muộn chưa chắc đã bất hạnh. Hôn nhân là chờ đợi, bởi vì người tốt đáng để chờ đợi; hôn nhân là sự thỏa hiệp, bởi vì chúng ta không thể đảm bảo rằng mình sẽ lấy người mình muốn lấy nhất, hay người đã đúng trong quá khứ.
Khi lập thân thành công, là người có giá trị, khi đó sẽ gặp người xứng đáng với bạn. Mây tầng nào gặp gió tầng đó. Hôn nhân đúng người sẽ bền lâu, viên mãn.
Hoa Thu
Thể thao văn hoá
Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/30-tuoi-toi-moi-hieu-ra-ly-le-cuoc-doi-lap-than-la-so-mot-khi-thanh-cong-thi-nha-lau-xe-hoi-gia-dinh-em-am-trong-tam-tay-20230307223756301.htm
0 Nhận xét