Bạo lực về thể chất và tinh thần khiến nạn nhân bị trầm cảm, rối loạn tâm lý sau sang chấn, nuôi dưỡng ý định tự tử.
Bạo lực gia đình là tình trạng phổ biến trong các mối quan hệ, xuất hiện khắp nơi trên toàn thế giới. Tại Mỹ, cứ 4 phụ nữ thì có một người bị bạo lực về thể chất. Con số này ở nam giới là một trên 9 người. Ở Việt Nam, trong năm 2019, cứ ba phụ nữ từng kết hôn thì một người bị bạo hành về thể xác hoặc tình dục, theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.Các dấu hiệu của lạm dụng thể chất khá rõ ràng, có thể quan sát được. Ngược đãi về tinh thần trong gia đình để lại những hậu quả tương đương, nhưng nguy hiểm vì không thể nhìn thấy hàng ngày.
Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình phải đối mặt với những ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần.
Hình thức bạo lực đầu tiên là lạm dụng về thể chất, sử dụng vũ lực để làm nhục, kiểm soát hoặc ép buộc nạn nhân hành động theo ý muốn của bản thân. Người lạm dụng thường cố ý gây thương tích cho nạn nhân để thiết lập mối quan hệ thống trị và phục tùng, hành động bao gồm bóp cổ, tát, cắn, đánh đập hoặc ném đồ đạc.
Roia Atmar, sinh sống tại Tây Australia, là một trong những nạn nhân của bạo lực thể chất. Cô đã phải nhập viện trong ba tháng sau khi bị người chồng làm bỏng bằng nhựa thông. Atmar phải chịu đựng những vết thương khủng khiếp và các sang chấn nghiêm trọng.
Cô đã phải điều trị tâm lý trong một thời gian dài. Dù tòa án ra án lệnh người chồng giữ khoảng cách, cô vẫn sợ một ngày anh ta sẽ tìm đến. "Rất nhiều vụ giết bạn tình xảy ra khi người phụ nữ cố gắng rời đi, đây không phải điều dễ để chấp nhận", cô nói.
Thực tế, người thường xuyên bị bạo hành về thể chất gặp các tổn thương tâm lý khác nhau. Phụ nữ bị bạn tình hành hạ có thể bị trầm cảm, lo lắng, rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD), rối loạn ăn uống, theo nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ.
Bên cạnh bạo lực thể chất, một số người bị bạo hành về tinh thần. Sống chung với bạn đời hoặc người yêu thường xuyên thay đổi tâm trạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Lời nói của kẻ có thể khiến nạn nhân mất tự tin, làm họ nghi ngờ về bản thân, tác động sâu rộng sau này.
Faliana Lee, tác giả cuốn Carving A Piece of Heaven (Mong muốn nhỏ bé nơi thiên đường) đã ghi lại câu chuyện của mình sau gần hai thập kỷ bị lạm dụng về tinh thần. Khi mới kết hôn, cuộc sống của cô và chồng trôi qua êm đẹp. Nửa năm sau đó, những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra.
Trong một chuyến đi Sydney cùng gia đình, chồng Lee không cho phép cô đi vệ sinh. Anh thậm chí không che giấu hành vi này trước mặt các con. Tiếp đến, Lee bị cô lập khỏi những người bạn và đồng nghiệp của mình, khiến cô khó tìm kiếm sự giúp đỡ. "Tôi không thể mở lòng với bất kỳ ai", cô nói.
Theo Zlatka Rakovec-Felser, giáo sư Khoa Tâm lý Sức khỏe Y khoa, Đại học Maribor, nạn nhân của bạo hành tinh thần có thể trầm cảm, lo lắng, phát triển chứng hoảng loạn hoặc sử dụng rượu bia, chất kích thích một cách bừa bãi. Họ cũng có xu hướng tự làm tổn thương bản thân, đưa ra các quyết định tình dục nông nổi, bừa bãi, sau khi bị tổn hại về tâm lý.
"Một lúc nào đó, kẻ bạo hành sẽ cố gắng làm ra vẻ nạn nhân đang phản ứng thái quá, cố viện cớ và đổ lỗi cho nạ nhân. Đây là lý do tại sao nhiều phụ nữ quay về với người từng bạo hành họ, vì họ cảm thấy đó là lỗi của mình, rằng họ có một phần trách nhiệm", Lee chia sẻ.
Lee cho biết đến một lúc nào đó, cơ thể nạn nhân tích tụ đủ căng thẳng và có các biểu hiện bất thường về thể chất. Sau khoảng thời gian dài căng thẳng tinh thần, cô bị xuất huyết và mệt mỏi kinh niên.
Đáng lo ngại nhất, nạn nhân của việc bạo hành tâm lý có thể nuôi dưỡng ý định tự tử, thậm chí cố gắng chấm dứt cuộc sống do hậu quả của nỗi đau quá lớn.
MInh họa về bạo lực gia đình. Ảnh: Way Home Studio
Bạo hành ở tất cả hình thức nào cũng thường xảy ra theo chu kỳ. Giai đoạn đầu, nạn nhân cố gắng xoa dịu kẻ bạo hành. Hành vi lạm dụng về thể chất, tâm lý hoặc tài chính đều xảy ra trong giai đoạn thứ hai. Giai đoạn thứ ba là hòa giải, khi người bạo hành xin lỗi, hứa không tái phạm hoặc chối bỏ trách nhiệm của mình về sự việc. Giai đoạn thứ 4 là "trăng mật". Trong đó, kẻ bạo hành tác động tâm lý để nạn nhân quên đi sự lạm dụng từng xảy ra. Khi giai đoạn này kết thúc, vòng lặp bạo hành bắt đầu lại.
Tại Mỹ và châu Âu, các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu các phương pháp chẩn đoán, đánh giá lâm sàng, can thiệp về y tế với những nạn nhân của bạo lực gia đình. Mỗi quốc gia có cách thức riêng để phân bổ nguồn lực cho phụ nữ bị lạm dụng.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ, liệu pháp hành vi nhận thức phù hợp để điều trị tâm lý của những phụ nữ từng chịu bạo lực gia đình. Trong đó, người trị liệu sẽ trò chuyện về tình trạng bệnh và vấn đề liên quan của mình với bác sĩ tâm lý và nhà trị liệu. Số buổi can thiệp tâm lý khác nhau tùy thuộc và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực trước đó, có thể từ một đến 20 buổi.
Anh và Canada hướng đến trị liệu tâm lý cho cả kẻ thực hiện hành vi bạo lực. Phương pháp chính là giáo dục về quyền bình đẳng, nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi cá nhân trong mối quan hệ.
Thục Linh (Theo Very Well Mind)
Nguồn: https://vnexpress.net/bao-luc-gia-dinh-pha-huy-suc-khoe-tinh-than-the-nao-4470815.html
0 Nhận xét