Theo các bác sĩ, tình trạng rụng tóc sẽ không thể cải thiện ngay tức thì mà cần có thời gian hồi phục dần dần. Bởi vậy, mọi người không nên quá lo lắng, sốt ruột khiến tình trạng tóc rụng càng nặng thêm.
Sau khi khỏi COVID-19 cách đây 3 tháng, chị Hoài (38 tuổi, TP.HCM) hoang mang, lo lắng phải đến bệnh viện khám vì tóc rụng quá nhiều. Người phụ nữ này cho biết, trước đây, khi chưa mắc COVID-19, tóc chị rất dày và đen mượt, tuy nhiên, một thời gian sau khỏi bệnh, mỗi lần gội đầu hay chải tóc, chị đều gặp tình trạng tóc rụng cả nắm trông rất đáng sợ.
Thực tế, chị Hoài chỉ là một trong những trường hợp gặp tình trạng rụng tóc hậu COVID-19. Theo các bác sĩ, rụng tóc sau khi khỏi COVID-19 là di chứng nhiều người gặp. Một khảo sát ở Hoa Kỳ cho thấy, trong 6 tháng xảy ra dịch COVID-19, số người đến khám vì rụng tóc tăng gấp 3 so với 6 tháng trước khi dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, thống kê trên nhiều quốc gia cũng chỉ ra rằng, khoảng 25% bệnh nhân COVID-19 gặp vấn đề rụng tóc trong vòng 3-6 tháng sau khi khỏi bệnh.
Theo BS.CK2 Trần Kim Phượng, Trưởng Khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, nhiều người bệnh bị rụng tóc sau khi mắc COVID-19 đã lo lắng đến bệnh viện khám và điều trị. Những người này không biết vì sao bị rụng tóc, chỉ khi bác sĩ hỏi, họ mới kể đã bị nhiễm COVID-19 trước đó.
BS Phượng cho biết, bệnh nhân nhiễm COVID-19 càng nặng sẽ bị rụng tóc càng sớm và càng nhiều. Họ bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân như: Sốt cao, mệt mỏi, liên quan đến phản ứng miễn dịch, stress, dinh dưỡng kém, vệ sinh da đầu kém, hoặc sử dụng một số thuốc điều trị COVID-19 gây rụng tóc.
Phương pháp khắc phục tình trạng rụng tóc hậu COVID-19
Theo các bác sĩ, hầu hết mọi người đều thấy tóc rụng rõ rệt từ 2 - 3 tháng sau khi bị nhiễm COVID-19. Một số ít tóc có thể bung ra khi tắm hoặc chải, vuốt tóc. Song điểm lạc quan là thường các nang tóc không bị ảnh hưởng quá mạnh gây mất nang trong quá trình nhiễm COVID-19. Do đó, cơ hội tóc mọc phát triển lại bình thường là khá cao.
Tuy nhiên, tình trạng rụng tóc sẽ không thể cải thiện ngay tức thì mà cần có thời gian hồi phục dần dần. Bởi vậy, người bệnh không nên quá lo lắng, sốt ruột khiến tình trạng nặng thêm.
Thay vào đó, nên giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, hạn chế tiếp cận các thông tin tiêu cực liên quan đến dịch bệnh, dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục đều đặn.
Hơn nữa, để giảm rụng tóc cũng như giúp tóc mọc khỏe trở lại, các bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho mái tóc.
Những thực phẩm tốt cho tóc cần bổ sung như:
- Biotin (Vitamin B7): Có nhiều trong bột đậu nành, lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên hạt
- Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm: Cá hồi, thịt bò, hàu …
- Omega – 3: Đây là chất béo quan trọng mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, chỉ có thể bổ sung bằng thực phẩm hàng ngày như: Cá thu, hạt bí ngô, quả óc chó
- Sắt: Khoáng chất này có nhiều trong thịt đỏ, súp lơ, xà lách
- Vitamin C: Có nhiều trong các loại hoa quả như cam, kiwi, ổi, đu đủ …
- Nước: Cung cấp đủ 2 lít nước mỗi ngày cũng là cách để cung cấp đủ độ ẩm cho mái tóc khỏe đẹp.
Ngoài ra, nên chọn dầu gội phù hợp với da đầu kết hợp massage tóc, hạn chế tạo kiểu, thường xuyên "chống nắng" cho tóc, gội đầu bằng nước lạnh, kết hợp sử dụng các loại tinh dầu... Những việc này có thể hỗ trợ chăm sóc tóc nhanh khỏe đẹp trở lại.
Theo: giadinh.suckhoedoisong.vn
0 Nhận xét