Na đang ở giai đoạn chín rộ, ăn để bồi bổ cơ thể, nhất là người mới ốm dậy thì siêu tuyệt vời. Nhưng bạn có biết, ăn na chữa được bệnh gì không?
Na siêu bổ dưỡng, Đông y coi là vị thuốc chữa bệnh
Năm nào cũng vậy, mùa na chín chỉ xuất hiện đúng một lần, rộ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, mùa na thường kéo dài trong 1-2 tháng, hiếm khi kéo dài tới đầu đông. Na là loại quả "vạn người mê". Nhiều người mê bởi ăn na cũng giống như được thưởng thức một thứ quà quê, sạch sẽ, trong trẻo, an toàn và vị ngọt đặc trưng phù hợp với vị giác của đông đảo người Việt.
Ăn trái cây chính vụ là một trong những cách bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể mà đỡ phải lo lắng chuyện loại quả đó có bị phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay không... Thế nhưng, ăn na cũng có công dụng chữa bệnh nữa mà nhiều người vẫn hay bỏ qua.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa lỵ… Quả na chín được dùng với tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh.
Y học hiện đại cũng cho thấy, quả na rất giàu canxi, magiê, sắt, niacin & kali, giàu chất chống oxy hóa như vitamin C , giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể. Nhờ giàu vitamin A, quả na là thực phẩm siêu tốt cho người muốn có làn da, mái tóc khỏe đẹp và thị lực cũng tốt hơn vì đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm và chống lão hóa . Các lớp vỏ bên ngoài của quả na rất hữu ích trong việc chống lại sâu răng, đau răng. Có thể nói, ăn na đem lại vô vàn công dụng cho nhan sắc và sức khỏe.
Chữa bệnh từ quả na - Những bài thuốc cực hay không nên bỏ qua
Công dụng của quả na không chỉ khi cho trái chín thơm ngon. Quả na chín được dùng với tác dụng bồi bổ cơ thể, rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh. Trong khi đó, quả na điếc (quả na đang lớn bị hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím) dùng trị mụn nhọt ở vú, chữa ho, viêm họng... Quả na điếc, tên trong sách thuốc cổ được gọi là sa lê. Sa lê phối hợp với các vị thuốc khác có tác dụng chữa bệnh siêu hay.
Tận dụng công dụng của quả na, chuyên gia "bật mí" một số bài thuốc chữa bệnh như sau:
- Chữa ho, viêm họng: Na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả đem phơi khô, quả na điếc đem đốt tồn tính, giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó đem trộn với 150g đường trắng nấu thành siro, sau đó viên thành viên. Người lớn ngày 6-8 viên, chia làm 2 lần; trẻ em tùy tuổi 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.
- Trừ chấy, rận: Giã nhỏ hạt na trộn với rượu hoặc giấm để vò đầu, xát vào chân tóc, sau đó bịt khăn lại, ủ trong 15 phút rồi gội đầu để trừ chấy. Bạn cũng có thể lấy hạt na giã nhỏ, lấy nước ngâm quần áo để diệt rận.
- Bong gân: Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.
- Mụn nhọt ở vú: Quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, đắp lên chỗ vú bị sưng, bôi nhiều lần trong ngày.
- Chữa kiết lỵ: Na chín nửa chừng đem thái nhỏ, bỏ hạt, sắc lấy nước uống.
- Chữa tiêu chảy: Quả na điếc 20g đem đốt tồn tính, cỏ lào tìm ngọn non 50g, gạo tẻ 30g đem rang thật vàng. Tất cả những nguyên liệu này đem sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 3 lần trong ngày.
- Mụn nhọt sưng tấy: Lá na, lá bồ công anh, đem giã nát đắp lên vùng có mụn nhọt. Ngày đắp 3 lần.
- Tẩy giun đũa: Rễ na 30 - 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua đem sắc với 300ml nước còn 100ml, uống vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
- Đau nhức răng: Nếu bạn quá chán chường với việc uống kháng sinh để trị cơn đau răng thì hãy thử thay bằng hạt na. Hạt na đem giã nhỏ, ngâm rượu và ngậm, khi ngậm xong phải nhổ nước đi, không được nuốt vì hạt na có tính độc.
Theo Pháp luật và Bạn đọc
0 Nhận xét