“Thời thế đổi thay, vật đổi sao dời”, rất nhiều người há miệng vô thần, ngậm miệng duy vật, hết thảy đều chỉ nghĩ đến tiền. Vì phát tài mà hãm hại lừa gạt, không có điều ác nào không làm, đạo đức ngược lại bị coi là “ngu ngốc khờ khạo”. Nhưng mà, như thế nào mới thực sự là ngốc đây?
Có người cho rằng “tích đức” thì có ích lợi gì? Nắm trong tay gia tài bạc vạn, chẳng phải rất sung sướng? Kỳ thực là bằng không, tích tài không tích đức, cuối cùng thì cũng là công dã tràng. Trong đời nhà Thanh có ghi chép lại hai ví dụ chân thật sau đây:
1. Khương Nguyên Long, người Trương Yển huyện Kim Sơn, là một phú nông. Hắn mua đất đai, hơn phân nửa là nhờ dụng tâm tính kế. Hắn cho vay nặng lãi, thấy ai có ruộng tốt đất đẹp, sẽ thừa lúc người ta túng quẫn mà cho họ vay nặng lãi. Bởi vì lợi tức rất nặng, nên lãi sinh lãi, người ta không thể trả, vậy là Khương Nguyên Long liền thu đất đai của nhà người ta. Cứ vậy, hắn có đến hàng nghìn mẫu ruộng.
Về sau Khương Nguyên Long sinh con trai, đặt tên là Khương Đức Chương. Khương Đức Chương chơi bời lêu lổng, không để ý đến việc nhà, không lo làm ăn, mới 20 tuổi đã ham thích trai gái cờ bạc. Cậu ta mỗi lần rời thôn đều mang theo giấy tờ ruộng đất của nhà mình để cầm cố đánh bạc, thường xuyên dùng đất đai để vay mượn tiền của người khác.
Đợi đến ngày hôm sau hắn viết biên lai mượn tiền, người khác sẽ lừa hắn: “Ngày hôm qua ta cho ngươi mượn 50 lạng bạc, mới một đêm đã vội quên?”. Khương Đức Chương cũng không tranh luận, liền viết xuống 50 lạng bạc, và không bao giờ nghĩ đến việc trả tiền để đòi lại đất. Người khác thấy hắn dễ lừa như vậy, cuối cùng đã lừa hắn không biết bao nhiêu lần. Bởi vậy, chưa đến 10 năm, Khương Đức Chương liền tiêu xài hết gia sản, cuối cùng đói mà chết.
2. Chú Thánh Chương, người Hoàng Yển Kiều huyện Đan Dương, gia cảnh vốn thường thường bậc trung. Một năm nọ, lúa mì được mùa, mỗi thạch bán được hai trăm tiền. Chu Thánh Chương có trăm mẫu lúa mì, so với nhà khác lại rất tốt, nên thu hoạch được rất nhiều. Năm đó Chu Thánh Chương lại tích trữ được kha khá tiền, toàn bộ lại dùng mua lúa mì, tổng cộng trữ gần 4 nghìn thạch lúa mì.
Tới mùa xuân thu năm sau, cả làng bị mất mùa, lúa mì đều rất khan hiếm, Chu Thánh Chương vẫn đóng cửa không bán. Đợi đến mùa đông kênh đào nước cạn, tiểu thương không thể thông tàu thuyền, ngay cả lúa gạo để ăn cũng đều hết sạch, lúc này chỉ có Chu Thánh Chương là có trữ lúa mì. Vì thế dân chúng gần xa đều tìm đến ông ta để mua.
Chu Thánh Chương ban đầu vẫn không chịu bán, đợi người khác nài nỉ cầu xin, mới đồng ý đổi một thạch lúa mì lấy một mẫu ruộng. Cứ như vậy ông ta dùng 4 nghìn thạch lúa mì đổi lấy cả một rương giấy tờ khế ước đầy, được gần 4 nghìn mẫu ruộng. Chu Thánh Chương vốn keo kiệt, lại giỏi về sưu cao thuế nặng, không đến vài năm sau liền có hơn vạn mẫu ruộng, tiền chất cao như núi.
Nhưng mà hai vợ chồng Chu Thánh Chương mãi vẫn không sinh được con. Ông ta tìm mọi cách cầu khẩn, đến một năm nọ mới sinh được một mụn con, lúc đó ông ta đã 68 tuổi, nên đặt tên con là Lục Bát.
Chu Lục Bát chưa đến 10 tuổi, thì Chu Thánh Chương đã qua đời. Chu Lục Bát sau khi lớn lên, coi tiền tài như cỏ rác, mỗi lần ra cửa đều mang rất nhiều tiền, tiêu hết mới về nhà. Có khi hắn còn xa hoa vô độ, đem tiền bạc ném ra hai ven đường. Chu Lục Bát vung tiền như rác, cộng với thói chơi bời lêu lổng, bởi vậy gia đạo ngày càng suy sụp, đành phải bán bớt gia sản, về sau khối gia sản to như vậy cũng tiêu tán hết. Đến khi Lục bát chết, trong nhà hắn chỉ còn lại một gian nhà trống và một mẫu ruộng.
Có phúc đều là do đức mà đến, tổ tiên không tích đức cho con cháu, con cháu vô phúc chỉ biết hưởng thụ thì chỉ gặp cảnh phá sản. Ác hữu ác báo, chèn ép người khác thì chỉ cần nửa đời sau hoặc kiếp sau sẽ phải chịu báo ứng. Từ 2 ví dụ trên có thể thấy rằng: Một người vì tiền bán đứng lương tâm, đối với bản thân mình thực sự có ích lợi gì đây?
Nguồn: Tinh hoa
#goctinhtam
0 Nhận xét