GIÁ TRỊ CỦA THỜI GIAN
Thời gian là thứ nguyên liệu chính trong bữa ăn cuộc đời của mỗi chúng ta. Đó là nguyên liệu không thể thiếu, bất cứ ai đang tồn tại đều đang tiêu khoảng thời gian của mình.
Về tiền, chúng ta mỗi người có thể làm chủ một số lượng khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều có cùng số lượng thời gian. Mỗi người đều có 24 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên đa số chúng ta đều than không có đủ thời gian để làm tất cả những việc ta cần làm.
Đúng thế, những việc ta muốn làm thì vô hạn. Vì thế nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể thực hành được tất cả mọi dự định của mình, hoặc bạn quá lo lắng về những việc bạn không thể thực hiện được thì lúc nào bạn cũng sẽ thấy mình không đủ thời gian. Trong những trường hợp đó, thời gian đã làm chủ bạn.
Vì thời gian có hạn, ta cần phải biết việc gì cần làm trước, việc gì sau và dùng thời gian ta có thể hoàn tất các công việc đó trong ngày. Lúc đó ta phải làm chủ thời gian chứ không phải chạy đuổi theo thời gian.
Thời gian không hề thiếu. Tôi có thể có ít thời gian, nhưng điều đó không cấm tôi phải bỏ bữa ăn. Có thể tôi không có đủ thời gian để sửa soạn một bữa thịnh soạn, nhưng với vài cọng rau, tôi cũng có thể làm thành một nồi súp. Không sao cả. Điều quan trọng là bạn cần phải biết sử dụng những gì bạn có trong tầm tay.
Đừng chỉ vì bạn nghĩ là mình không có thời gian, để không làm gì hết. Lúc nào bạn cũng có thể làm gì đó. Và làm cái gì đó, bắt đầu cái gì đó, hay chỉ là ý hướng đến một điều gì đó cũng đã làm thời gian của ta như nhiều thêm ra. Càng hoàn tất được nhiều việc, bạn càng có thêm nhiều thời gian.
Trái lại, nếu bạn cảm thấy mất bình tĩnh trước bao nhiêu việc phải làm, cuối cùng bạn sẽ phí thời gian ngồi lo sợ mình không có đủ thời gian để làm gì cả. Lúc đó tâm trạng bạn luôn nhắc mãi một điệp khúc: “Tôi không có đủ thời gian! Tôi không thể làm gì cả!”
Nếu bạn cảm thấy như mất phương hướng trước quá nhiều công việc, thì giải pháp là hãy đi từng bước một. Bạn chỉ cần dừng lại và tự hỏi mình: “Tôi sẽ sử dụng thì giờ như thế nào cho hữu hiệu trong một tiếng đồng hồ sắp tới?”
Điều đó không có gì khó. Mỗi ngày trước khi bắt tay vào việc ở sở hay ở nhà, hãy ghi xuống việc gì cần làm ngay trong ngày, và xếp theo thứ tự quan trọng của chúng. Nhưng, cũng đừng quá chấp chặt vào danh sách đó. Nếu có việc khác quan trọng hơn bất ngờ xảy ra thì nên lo chu toàn việc đó trước. Căn bản là lúc nào cũng phải sáng suốt, biết việc gì trước, việc gì sau.
Bí quyết là mỗi lúc chỉ nên làm một công việc. “Khi gánh nước thì chỉ lo gánh nước, khi nấu cơm thì chỉ lo nấu cơm, khi quét nhà thì chỉ lo quét nhà. Đừng lúc gánh nước lại lo nấu cơm, lúc nấu cơm thì lo quét nhà” - trích lời một thiền sư Nhật Bản. Đơn giản mà hiệu quả.
Thời gian là nguyên liệu tối cần không thể thiếu để sửa soạn bữa ăn cuộc đời, nhưng khi nó bị sử dụng một cách lãng phí vào những thứ vô bổ, chúng ta đã biến nó thành chủ ta, làm cho bữa ăn cuộc đời của chúng ta kém ngon. Cuộc đời trở nên chua chát.
Trái lại nếu bạn chỉ cố gắng dành thời gian lo cho mọi người khác, bạn cũng sẽ rơi vào cái bẫy khác gọi là “hội chứng người tốt”. Lúc nào bạn cũng lo làm việc thiện, bữa ăn xã hội lại có quá nhiều vị ngọt. Khi những điều đó xảy ra, người đầu bếp phải biết thêm một thứ nguyên liệu khác, đó là trí tuệ - phải hiểu rõ về triết lý cho kẹo.
Vấn đề không phải là bạn có bao nhiêu thời gian sống, mà là bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào. Khi không có đủ nguyên liệu, người ta vẫn có thể sửa soạn một bữa ăn ngon. Ngược lại khi có nhiều quá, người ta có khuynh hướng đổ hết tất cả mọi thứ vào với nhau - thịt, khoai, rau cùng với tất cả ngũ vị hương. Phương pháp đó cũng không tốt. Quá nhiều thứ trong cùng một nồi, cuối cùng bạn sẽ chẳng thấy có vị gì đọng lại sau cùng cả.
0 Nhận xét